Phú Thọ - Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc) (ngày 1 tháng 2 năm 1960) Phong_trào_kết_nghĩa_Bắc-Nam

Phú Thọ là một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam, với di tích lịch sử nổi tiếng là Đền Hùng bởi nơi đây chính là nơi các vua Hùng Vương năm xưa đã dựng nước và đặt kinh đô nhà nước Văn Lang ở đây. Thời Pháp thuộc, tỉnh lỵ tỉnh Phú Thọ ban đầu được đặt tại thị xã Phú Thọ, tuy nhiên từ năm 1962 tỉnh lỵ được dời về thành phố Việt Trì cho đến ngày nay. Ngày 26 tháng 1 năm 1968, tỉnh Vĩnh Phúc lại hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Thành phố Việt Trì được trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, lại chia tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ như cũ cho đến ngày nay.

Long Châu Sa là tỉnh cũ do chính quyền Việt Minh thành lập ở Nam Bộ vào tháng 6 năm 1951 trên cơ sở hợp nhất một phần tỉnh Long Xuyên, một phần tỉnh Châu Đốc (trong giai đoạn 1947-1951 vùng này chính là tỉnh Long Châu Tiền) và toàn bộ tỉnh Sa Đéc. Đến cuối năm 1954, tỉnh Long Châu Sa bị giải thể, đồng thời trả lại tên gọi ba tỉnh ban đầu như cũ. Còn về phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, trong giai đoạn 1954-1975 tên gọi tỉnh Long Châu Sa vẫn được duy trì như thời điểm trước năm 1954. Địa bàn tỉnh Long Châu Sa cũ tương ứng với một phần tỉnh An Giang và toàn bộ tỉnh Đồng Tháp từ năm 1976 cho đến ngày nay.

Ngày 1 tháng 2 năm 1960, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành Nghị quyết về kết nghĩa Phú Thọ - Long Châu Sa. Khi đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phú Thọ đã tích cực hưởng ứng tham gia kết nghĩa với thị xã Sa Đéc.

Năm 1958, tại thị xã Phú Thọ (lúc bấy giờ còn là tỉnh lỵ tỉnh Phú Thọ) đã cho thành lập phân hiệu của trường cấp II III Hùng Vương. Năm 1960, đoàn cán bộ thị xã Sa Đéc thuộc tỉnh Long Châu Sa (ngày nay là thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp) ra thăm thị xã Phú Thọ và đã đến thăm nhà trường. Từ đó, trường được đổi tên thành trường cấp II Sa Đéc và ngày nay là trường Trung học cơ sở Sa Đéc[20]. Đồng thời gần ngôi trường này, tại trung vực trung tâm thị xã Phú Thọ cũng có một đường phố mang tên là Sa Đéc cho đến nay.

Ngày 25 tháng 8 năm 1960, trường cấp III Long Châu Sa và sau này gọi là trường Trung học phổ thông Long Châu Sa được thành lập trên đất gò, mép đồng đất xã Cao Mại thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay và là trường học cấp III thứ hai được mở trong toàn tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ. Địa danh Long Châu Sa có nguồn gốc từ khát vọng hòa bình thống nhất đất nước[21].

Ngày 21 tháng 7 năm 1964, lễ kết nghĩa giữa huyện Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ với huyện Cao Lãnh thuộc tỉnh Long Châu Sa (bao gồm cả thành phố Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay) đã diễn ra tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ[22].

Ngày 5 tháng 5 năm 1969, sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho thành lập mới quận Đồng Tiến ở tỉnh Kiến Phong, chính quyền Cách mạng cũng cho thành lập huyện Tam Nông thuộc tỉnh Kiến Phong có địa giới hành chính trùng với quận Đồng Tiến. Tam Nông là tên một huyện của tỉnh Phú Thọ (miền Bắc) kết nghĩa với tỉnh Long Châu Sa. TỪ tháng 2 năm 1976 đến nay, huyện Tam Nông thuộc về tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1992, trường Trung học cơ sở Vĩnh Phước 2 thuộc thị xã Sa Đéc (ngày nay là thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp) được đổi tên thành trường Trung học cơ sở Hùng Vương cho đến nay[23]. Trong giai đoạn 1976-1994, thị xã Sa Đéc cũng là nơi đặt tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp, tuy nhiên từ năm 1994 đến nay tỉnh lỵ lại dời về thị xã Cao Lãnh (ngày nay là thành phố Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp)